Published on

Ai Đã Lấy Miếng Phomat Của Tôi?

Authors
  • avatar
    Name
    David Nguyen
    Twitter
Table of Contents

1. Tóm tắt nội dung

Hai chú chuột và hai người tý hon cùng hành trình tìm kiếm những miếng phomat của mình nhưng qua ngòi bút của tác giả đã được khắc hoạ và tái hiện rất sâu sắc về cách mỗi nhân vật đối mặt với sự thay đổi.

Vậy sự thay đổi là gì?

Đối với hai chú chuột và hai người tý hon trong cuốn sách đó là việc kho phomat mà họ bỏ bao công sức tìm kiếm bỗng nhiên một ngày bị lấy đi mất. Họ không biết ai lấy đi, tại sao người ta lại lấy đi, chỉ biết rằng bỗng nhiên chúng biến mất.

Liên hệ một chút có thể dễ dàng nhận thấy, kho phomat trong câu chuyện chính là hình ảnh ẩn dụ cho nhiều khía cạnh trong cuộc sống của mỗi người. Đó có thể là công việc mà chúng ta vất vả tìm kiếm, có thể là một mối quan hệ mà chúng ta dày công vun đắp, hay chỉ đơn giản là số tiền chúng ta tích cóp,...

Đối mặt với sự thay đổi, hai chú chuột bằng bản năng nhạy bén, chúng đã không chần chừ mà ngay lập tức lên đường tìm kiếm những kho phomat mới. Nhưng hai người tý hon thì lại khác, ban đầu họ đổi lỗi và trách tại sao người ta lại lấy đi kho phomat mà họ dày công tìm kiếm, họ không chấp nhận sự thật và chần chừ trong việc lên đường tìm kho phomat mới với hi vọng một ngày người ta sẽ đem trả lại.

Trong lúc hai người tý hon mải đổ lỗi, trách móc, chần chừ thì hai chú chuột không ngừng tìm, sai làm lại và cứ như thế cuối cùng chúng cũng tìm thấy kho phomat mới và tha hồ tận hưởng.

Trong hai người tý hon, một người là Ù Lỳ, một người là Chậm Chạp thì cuối cùng Chậm Chạp cũng nhận ra những miếng phomat sẽ không bao giờ tự quay trở lại, họ phải lao vào mê cung và bắt đầu lại hành trình. Nhưng Ù Lỳ thì vẫn không chấp nhận sự thật mà cố chấp chờ đợi để rồi Chậm Chạp quyết định lên đường một mình.

Hành trình của Chậm Chập là mình chứng cho sự thay đổi tư duy để thích nghi với hoàn cảnh luôn thay đổi. Mặc dù cậu ban đầu cũng như Ù Lỳ nhưng bằng việc thayd dổi tư duy cậu ta đã không nằm yên chờ chết như Ù Lỳ.

=> Cá nhân mình thấy phân đoạn kể về hành trình của Chậm Chạp là phân đoạn ý nghĩa nhất cả cuốn sách. Có lẽ đó cũng là những gì tác giả muốn hướng người đọc tới. Vậy nên đoạn này mình sẽ không chia sẻ chi tiết để các bạn có thể tự đọc và cảm nhận.

Để tóm lại về phần nội dung thì các bạn có thể coi cuốn sách như một câu chuyện ngụ ngôn mà qua đó tác giả mượn hình ảnh hai chú chuột và hai người tý hon để vẽ nên 4 nhân vật - 4 tính cách đặc trưng của con người khi phải đổi diện với sự thay đổi.

2. Bài học

Học được gì từ hai chú chuột?

Khi đọc xong cuốn sách, mình cũng thắc mắc tại sao tác giả lại lấy hình ảnh hai chú chuột mà không phải là hai người tý hon khác? Sau khi phân tích thì mình nhận ra có thể tác giả muốn nhấn mạnh việc hãy giữ mọi thứ đơn giảnhành động ngay khi có thể, đôi khi đừng suy nghĩ quá nhiều giống như hai chú chuột.

Học được gì từ Chậm Chạp?

Nếu đứng ở góc độ thông điệp mà cuốn sách muốn truyền tải thì có lẽ Chậm Chạp là nhân vật chúng ta học hỏi được nhiều nhất, mặc dù phản ứng của cậu ta với thay đổi giống như cái tên khá là chậm nhưng rõ ràng dù chậm nhưng cuối cùng cậu vẫn nhìn thấy cần phải thay đổi và kiên trì theo đuổi mục tiêu tới cùng.

Có học được gì từ Ù Lỳ không?

Ù Lỳ điển hình cho kiểu người cố chấp, và có chút bảo thủ khi đặt trong bối cảnh của câu chuyện bởi cậu ta không giám chấp nhận sự thật, ngại phải thay đổi để đi tìm kho phomat mới. Nhưng nếu nhìn ở góc độ lạc quan hơn chút có thể nhân vật tuy có "ù lỳ" nhưng lại khá kiên định và vững tin, trong nhiều trường hợp điều này chưa hẳn là đã không tốt.

Cuối cùng, có lẽ tác giả muốn thông qua câu chuyện ngụ ngôn ngắn này để nhắn gửi mỗi người hãy luôn thật sẵn sàng khi sống trong một xã hội luôn thay đổi từng ngày. Luôn không ngừng nỗ lực, học hỏi, dám thay đổi để thích nghi. Và tất nhiên, cơ hội không có nhiều, hãy luôn chuẩn bị thật tốt, quyết đoán để đón nhận chúng khi chúng xuất hiện.

3. Phản biện

Với khoảng 130 trang, mình đọc xong trong cuốn sách khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Khi đó, mình đã "bĩu môi" và nghĩ: "Câu chuyện thì hay đấy, nhưng cuộc sống có cả ngàn biến số nào có dễ như cuộc chơi của hai chú chuột và hai người tý hon."

Nhưng quay lại phần học, đôi khi hãy giũ cho mọi thứ thật đơn giản. Đúng là cuộc sống có nhiều biến số thật nhưng sẽ chỉ có một vài biến số chính (gia đình, sức khoẻ, công việc), hãy tập trung vào những biến số này thay vì dồn lực cho nhiều biến số khác nữa.

Vậy thì ai đã lấy miếng phomai của tôi?

Ví dụ, trong công việc đó có thể là một người giỏi hơn bạn, hoặc thậm là chính bạn nếu bạn không chịu học hỏi tìm tòi để phát triển năng lực. Và đừng để đến khi người ta lấy đi của mình rồi mới tiếc nuối hay trách móc.

Hãy luôn nỗ lực lao động từng ngày để bất kỳ thay đổi nào ta cũng vượt qua được.

Chúc các bạn đọc sách vui vẻ!!!